Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013



                                 HOÀI NIỆM VỀ SÔNG

"DÒNG SÔNG SA LUNG"
Cẩm Tuyết (*)
Quê tôi có dòng sông Sa lung
Nhánh của sông Hiền Lương giới tuyến
Sông của quê hương đổ tuôn ra biển
Sông xom Sa nam ru tôi ngủ trong nôi
Sông của quê tôi hiền dịu mát trôi
Cả tuổi thơ tôi tắm mình trong nước
Giặc Mỹ ném bom phá sông, phá nước
Tôi xa sông , xa mẹ , xa quê (**)
Sống yên vui trên mái ấm ven đê
Sông Hồng Hà. Thái Bình nuôi tôi lớn
Chiến tranh đi qua tôi về bên bến
Tắm lại nước Sa lung tuổi đã hai mươi
Một lần nữa đi xa , nhớ lắm, sông ơi!
Lấy chồng , sinh con , vào nam lập nghiệp
Cuộc sống khó khăn nên tôi luyến tiếc
Biết lúc nào về tắm lại sông quê?
Hôm nay về cho thỏa nổi nhớ mong
Sông vẫn còn nguyên mà mẹ cha đã mất
Ngửa mặt lên trời cho nước mắt tuôn rơi
Hòa lẫn vào sông, sông có biết không ?
---------------------------------------------
(*) Phó Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam tỉnh Bình Phước
(**) Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất
(1966-- 1967 -1968), theo chính sách của Đảng và Bác Hồ,
các cháu Vùng Vĩnh Linh Quảng Trị ra sơ tán, học tập tại
Thái Bình (tác giả là cháu bé K8 thời đó).

*
* *
Đã có nhiều bài thơ cảm hứng về sông: “Tràng giang” của Huy Cận”, “Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh, “Khúc hát sông quê” của Lê Huy Mậu (được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc) … “Dòng sông Sa Lung” của Cẩm Tuyết là một bài thơ nằm trong dòng chảy cảm xúc về sông cùng các các thi nhân qua đường dài năm tháng. Sông Sa Lung gắn với cuộc đời nhà thơ ở nhiều hoàn cảnh: Trước hết, là gắn với nhà thơ từ thuở ấu thơ. Con sông được miêu tả khả cụ thể - đó là một nhánh của sông Hiền Lương lịch sử. Sự gắn bó của nhà thơ với dòng sông quê hương có dáng dấp như Tế Hanh gắn bó với dòng sông Thu Bồn quê ông, khi Tế Hanh viết: “Ôi, con sông tắm mát cả đời tôi…”, còn Với dòng Sa Lung, Cẩm Tuyết viết: "Sông của quê tôi hiền dịu mát trôi/Cả tuổi thơ tôi tắm mình trong nước". Cảm xúc của Tế Hanh hay của Cẩm Tuyết cũng là cảm xúc chung của tuổi thơ đối với dòng sông quê mình – mà hình ảnh sâu đậm nhất là tắm táp trên sông! Tắm táp để rồi nhuốm dòng sông vào mình, như nhuốm cả quê hương vào mình vậy! Diễn tiến của cảm xúc là nỗi nhớ dòng sông khi Cẩm Tuyết rời quê hương, sơ tán ra Bắc học tập. Ở ngoài Bắc, tuy được "Sống yên vui trên mái ấm ven đê/ Sông Hồng Hà. Thái bình nuôi tôi lớn", nhưng Cẩm Tuyết vẫn nhớ về quê hương và mong ngày: “Chiến tranh đi qua tôi về bên bến /Tắm lại nước Sa lung tuổi đã hai mươi /Một lần nữa đi xa , nhớ lắm, sông ơi!" Hoài niêm về dòng sông quê hương vẫn mãi đeo bám nhà thơ. Đến khi lấy chồng xa xứ, hoài niệm ấy càng dội lên day dứt: “Một lần nữa đi xa, nhớ lắm sông ơi/Lấy chồng , sinh con , vào Nam lập nghiệp/Cuộc sống khó khăn nên tôi luyến tiếc /Biết lúc nào về tắm lại sông quê ?
Suy đến cùng, nhớ dòng sông không đơn giản là chỉ nhớ dòng sông, mà chính là nhớ gia đình, họ hàng cùng làng quê yêu dấu, nên mỗi lần tắm táp trên sông cũng chính là tắm táp trong tình thương yêu gia đình và quê hương yêu dấu. Lần này về thăm quê, thì một nỗi đau tột cùng đến với nhà thơ là cha mẹ đã "đi xa": Hôm nay về cho thỏa nổi nhớ mong /Sông vẫn còn nguyên mà mẹ cha đã mất /Ngửa mặt lên trời cho nước mắt tuôn rơi/Hòa lẫn vào sông , sông có biết không ?
Về hình thức thể hiện, nhà thơ khéo léo đặt tình huống cho cảm xúc về hoài niệm xa sông, xa quê. Sự xa cách (hai lần xảy ra) luôn gắn liền với nỗi nhớ, khiến bài thơ trở nên da diết, tăng thêm phần hoài niệm thiêng liêng. Thi từ được chú ý chọn lọc phù hợp với cảm xúc. Gieo vần theo lối thơ 8 chữ là chủ yếu, đồng thời có câu 7 chữ, có câu 9 chữ, do đó, vần điệu không gò bó, thông thoáng hơn! Có một trường hợp được sử dụng câu thơ ngắt dòng khá độc đáo, như nhấn mạnh tên dòng sông trên đất Bắc để càng nhớ dòng sông Sa Lung quê hương: "Sống yên vui trên mái ấm ven đê/ Sông Hồng Hà. Thái bình nuôi tôi lớn".
Cảm ơn nhà thơ Cẩm Tuyết về bài thơ "Dòng sông Sa Lung" và mong chị có nhiều bài thơ hay hơn nữa!
  • Bạn thích điều này.
  • Lê Thị Cẩm Tuyết Cảm ơn anh Thanh Mai ! Một nhà thơ lớn , nhà phê bình VH , một tiến sĩ , một bậc thầy của em !Hãy để cho mọi người thưởng thức ! lời bình của anh thật sâu sắc , chặt chẻ ,đầy tính nhân văn !đậm nét thi ca !
  • Lê Thị Cẩm Tuyết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét